Nghiên cứu, xây dựng các module HĐTN, hướng nghiệp trong các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

1,053 Lượt xem
01/10/2020

Nghiên cứu, xây dựng các module HĐTN, hướng nghiệp trong các trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Chủ nhiệm đề tài: TS. Hoàng Công Kiên

1. Đặt vấn đề

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018), hoạt động trải nghiệm (HĐTN) và trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc dành cho học sinh phổ thông ở các cấp từ tiểu học đến THPT, với “nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, với xã hội, với tự nhiên và với nghề nghiệp” nhằm “góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh”.

Tuy nhiên, trong thực tiễn giáo dục phổ thông hiện nay, hoạt động giáo dục ở tỉnh Phú Thọ chủ yếu vẫn là hoạt động ngoài giờ lên lớp được tổ chức theo tháng với các chủ điểm như chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày thành lập Đoàn 26/3, hưởng ứng lễ phát động của Đoàn thanh niên,… Các trường có thế mạnh và tổ chức được nhiều hoạt ngoại khóa tập trung vào những trường điểm, trường chuyên ở các vùng thành thị (thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ) như THCS Văn Lang, THCS Hùng Vương, THPT chuyên Hùng Vương. Các hoạt động hướng nghiệp tập trung cho HS cuối cấp THPT, mặc dù được triển khai nhưng thực sự chưa được xã hội đánh giá cao. Một số HĐTN như tham quan, trải nghiệm ở các làng nghề (làng nghề Hùng Lô, gốm Bát Tràng,…), ở các trang trại giáo dục chủ yếu dừng lại ở mức độ HS xem, quan sát. HS chưa thực sự được tham gia/trải nghiệm và được đánh giá hay có những phản hồi sau mỗi đợt trải nghiệm, trải nghiệm chưa được liên tục. Những hoạt động tham quan như vậy chủ yếu dừng lại ở mức độ nhà trường phối hợp với các bậc phụ huynh đặt tour các công ti du lịch và lữ hành để phối hợp tổ chức.

Vì vậy, việc xây dựng được các module HĐTN gắn với thực tiễn giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hướng tới bốn nhóm hoạt động (hoạt động hướng vào bản thân, hoạt động hướng đến xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp) nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu GDPT là điều cần thiết để đón đầu thực hiện chương trình GDPT mới.

Trên cơ sở Chương trình giáo dục tổng thể mới của Bộ GD&ĐT và tính đặc thù địa phương tỉnh Phú Thọ về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường…xây dựng các module HĐTN cho học sinh ở trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) nhằm góp phần chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khi Bộ GD&ĐT triển khai đại trà trên phạm vi cả nước trong thời gian tới; đồng thời chuyển giao kết quả nghiên cứu để sử dụng trong công tác giáo dục tại tỉnh Phú Thọ

2. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu

Cách tiếp cận

  • Tiếp cận lý luận: Xuất phát từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành, kế thừa những kết quả nghiên cứu hiện nay về tổ chức HĐTN để đánh giá những điểm hạn chế đề xuất hướng xây dựng modul HĐTN gắn với thực tiễn phổ thông.
  • Tiếp cận thực tiễn: Từ thực tiễn tổ chức HĐTN hiện nay ở các trường tiểu học, THCS, THPTtrên địa bàn tỉnh Phú Thọ; từ thực tiễn điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật đặc thù của tỉnh Phú Thọđể đề xuất hướng thiết kế các modulHĐTN tập trung trong các lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Khoa học công nghệ, Khoa học xã hội và Văn hóa, Nghệ thuật và lĩnh vực Ngoại ngữ thuộc bốn nhóm hoạt động chính như trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã quy định (hoạt động phát triển bản thân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp

Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng

  • Phương pháp nghiên cứu lý luận: Được sử dụng để hệ thống hóa cơ sở lí luận về HĐTN, thiết kế HĐTN, về đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay ở Việt Nam.
  • Phương pháp điều tra, khảo sát: Được sử dụng để thu thập thông tin về thực tiễn tổ chức HĐTN cho HS phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (nhận thức của giáo viên, sự hứng thú của HS, những thuận lợi và khó khăn trong tổ chức HĐTN).
  • Phương pháp thực nghiệm: Được sử dụng để kiểm chứng tính khả thi của các modul nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của HS phù hợp với đặc thù điều kiện kinh tế, địa lí, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường,… của tỉnh Phú Thọ.
  • Phương pháp chuyên gia: Được sử dụng để đánh giá mức độ phù hợp và khả thi của các modul đề xuất;
  • Phương pháp thống kê toán học: Được sử dụng để xử lí phiếu điều tra, kết quả thực nghiệm giúp nhóm nghiên cứu rút ra những thông tin làm cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các modul trong đề tài.

3. Kết quả nghiên cứu

Đề tài đã xây dựng được khung lí thuyết với những cơ sở khoa học về module, về chương trình HĐTN, hướng nghiệp mà Bộ GD&ĐT ban hành, đã đề xuất được các nguyên tắc xây dựng module HĐTN, hướng nghiệp. Mặt khác, dựa trên cơ sở lí luận về module, dựa trên mạch nội dung của HĐTN, hướng nghiệp, phương thức tổ chức HĐTN, loại hình hoạt động, đề tài đã đề xuất quy trình 4 bước để xây dựng được một module HĐTN, hướng nghiệp bao gồm:

  • Xác định tên module, mục tiêu của modul, đối tượng sử dụng module;
  • Xác định các chủ đề của module;
  • Xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ đề trong module, thiết kế hoạt động cho HS theo chủ đề;
  • Triển khai thử nghiệm và hoàn thiện, chỉnh sửa modul. Trong mỗi bước của quy trình, nhóm nghiên cứu cũng đã có những cụ thể gợi mở cách thực hiện trong từng bước.

Dựa trên quy trình đó, đề tài đã xây dựng được 12 module HĐTN, hướng nghiệp áp dụng cho ba cấp học. Tính phù hợp, tính khả thi của các module đã được chúng tôi kiểm nghiệm tại trường phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT) và được đánh giá cao từ phía các trường tham gia thực nghiệm và các chuyên gia giáo dục

4. Kết luận

Các module HĐTN, HĐTN hướng nghiệp mà đề tài nghiên cứu xây dựng đã thực sự hỗ trợ giáo viên định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện tổ chức HĐTN, hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Các hoạt động trải nghiệm đó “tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ

năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi” đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2019), Tài liệu tìm hiểu chương trình HĐTN và HĐTN, hướng nghiệp (Trong chương trình GDPT năm 2018)

[3] Quốc hội nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật giáo dục 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, NXB Chính trị Quốc gia.

[4] Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ (2016), Công văn số 200 /SGD ĐT- ĐT Phú Thọ, năm 2016 về việc xây dựng mô hình “Trường học và cuộc sống”.

[5] Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ (2019), Công văn số 1259/SGD - ĐT-GD về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục năm học 2019-2020

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận